Tận dụng cây tre: Vị thuốc quý cho cơ thể khỏe mạnh
Cây tre là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nhưng hơn thế nữa, loài cây này còn có thể dùng làm thuốc trị bệnh hiệu quả.
Bài thuốc chữa bệnh từ lá tre
Trúc điệp hay Đạm trúc điệp có vị ngọt the nhạt, tính nhạt, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị sốt cao, phiền khát ra nhiều mồ hôi dùng 1 nắm 20g lá tre với 20g rau má cùng sắc uống. Nếu háo khát, phiền nhiệt thì uống với bột Thạch cao nung 12g chia làm 3 lần.
Bài thuốc chữa bệnh từ trúc nhự
Trúc nhự là phần cật tre trúc non (cạo bỏ tinh tre và lớp vỏ trong)
Cách làm: Chẻ một thanh tre giữa lỏng, tước bỏ lớp vỏ xanh ở ngoài và lớp xốp trong ruột, lấy lốp giữa (phôi tre). Trúc nhự có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, chữa nôn oẹ, ho có đờm, hồi hộp không ngủ, tâm phiền rạo rực, dùng Trúc nhự và Mạch môn mỗi vị 16g sắc uống.
Bài thuốc chữa bệnh từ trúc lịch
Trúc lịch là nước ép cật tre trúc (đốt tre trúc non bánh tẻ hơ nóng vắt ép lấy nước).
Cách làm: Chặt một đoạn máng vòi tre, hai tay cầm hai đầu. Đốt lửa hơ khoảng giữa lòng cho chín mềm, rồi vặn lấy nước cốt hứng vào bát uống. Trúc lịch có vị ngọt tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, chữa sốt cao, đờm dãi kéo lên, ho, suyễn hoặc trúng phong cấm khẩu. Dùng gừng sống giã vắt lấy nước cốt 1 chén uống.
Phần trong cây tre cũng được dùng để cầm máu vết đứt hay chảy máu chân răng, cạo một tý phấn trắng trong ruột tre đặt vào thì ngừng chảy máu.
Lưu ý: Trúc điệp, trúc lịch chỉ dùng cho bệnh thực nhiệt, thích hợp nhất đối với bệnh ôn nhiệt như mùa hè, như viêm não B, sốt độc nhiệt, cấm dùng cho người hư hàn. Người tỳ vị hư hàn hoặc đang dưỡng bệnh đều kiêng ăn màng, bệnh sốt cơn ăn mãng thì dễ tái phát.
Tre không chỉ là biểu tượng của đất nước, mà còn là “anh hùng xanh” thầm lặng mang đến cho mọi người nguồn dược liệu quý giá.
Nguồn: Sách Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà – NXB Văn hóa Dân tộc